Bệnh Bệnh lúa von trên cây Lúa

Bệnh von hại lúa do nấm Fusarium moniliforme (tên khác: Gibberella fujikuroi) gây ra. Bệnh có thể xuất hiện và gây hại từ khi cây lúa còn ở giai đoạn mạ cho đến lúc thu hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu do sự biến động của điều kiện thời tiết sẽ làm cho lượng độc tố của nấm bệnh tiết ra khác nhau.

Bệnh xuất hiện ở lúa lai F1, do trong hạt giống còn dư lượng GA3 (là chất kích thích sinh trưởng được sử dụng trong sản xuất hạt giống lúa lai).

Nấm bệnh có thể phát triển được ở nhiệt độ 10 - 37°C (thích hợp nhất là từ 24 - 32°C), độ ẩm cao và ánh sáng yếu. Nấm tồn tại chủ yếu trên tàn dư của cây bị bệnh, ở trong đất và ở trong phôi hạt giống.

Bệnh có thể lây truyền qua không khí, qua tàn dư của cây bị bệnh vụ trước (rơm rạ), nhưng chủ yếu là qua hạt giống. Do vậy muốn hạn chế bệnh rất cần phải xử lý hạt giống trước khi gieo hạt.

Các bộ phận ở phía dưới mặt đất của cây như rễ, gốc thân dễ bị nhiễm bệnh hơn các bộ phận ở phía trên mặt đất của cây như bẹ lá, đốt thân. Thực tế đồng ruộng cho thấy ở giai đoạn mạ và thời kỳ lúa con gái thường bị nhiễm bệnh mạnh nhất.

Thường xuất hiện trên

Lúa

Triệu chứng

Cây bị bệnh phát triển cao vọt. Lá từ màu xanh lục chuyển dần sang màu xanh nhạt rồi vàng gạch cua. Lá cứng giòn và chết nhanh chóng.

Lóng thân cây bệnh phát triển dài ra, thường mọc nhiều rễ phụ ở đốt (rễ gió) và có thể thấy lớp phấn trắng phớt hồng bao quanh đốt thân và vị trí xung quanh đốt thân.

Đôi khi cây bị bệnh cũng cho bông, nhưng tỷ lệ hạt lép rất cao. Hạt bị bệnh thường bị lép lửng, vỏ hạt màu xám, nếu thời tiết ẩm ướt trên vỏ hạt có thể xuất hiện lớp phấn trắng phớt hồng, nếu thời tiết khô trên đốt thân và vỏ hạt có nhiều chấm nhỏ li ti màu xanh đen….

Bệnh lúa von còn có triệu chứng như cây mạ (lúa) bị lùn đi hoặc cũng có thể không làm thay đổi chiều cao cây.