Bệnh Sâu keo trên cây Lúa

Sâu ưa nhiệt độ cao và ẩm độ bão hoà. Hàng năm, sau những trận mưa tập trung, kéo dài gây ngập, lụt, úng thì thường tiếp theo là nạn dịch sâu keo phát sinh phá lúa mùa.

Hàng năm, cần chú ý các đợt sâu: Đợt 1 từ hạ tuần tháng 6 đến hạ tuần tháng 7, đợt 2 từ hạ tuần tháng 7 đến hạ tuần tháng 8.

Thường xuất hiện trên

Lúa

Triệu chứng

Sâu thường phá thời kỳ mạ và lúa đẻ nhánh có thể ăn trụi từ ruộng này đến ruộng khác, sâu non chỉ ăn lá, sâu lớn ăn cả cây. Sâu non tuổi 1 - 2 ăn bề mặt lá, tuổi 3 có thể đứt lá mạ.

Nếu mật số sâu cao, tuổi sâu lớn chúng có thể cắn cụt cả lá, thận chí cả thân cây lúa chỉ còn trơ lại phần gốc. Khi ruộng đã hết lúa chúng có thể bò lên bờ để ăn cỏ. Nếu mật số sâu cao mà thức ăn trong ruộng đã hết chúng có thể "hành quân" tập thể tràn sang phá những ruộng kế cận.

Nhận biết sâu hại

Bướm cánh màu đen xám, ở giữa có vân hình quả thận màu nâu đen, quanh có viền trắng, cạnh đó có vân tròn trắng ở giữa có đốm nâu, cánh sau màu trắng nâu.

Trứng đẻ một bướm cái có thể đẻ được khoảng 7 - 10 ổ trứng trên lá lúa, lá cỏ dại, mỗi ổ có từ 100 - 300 quả trứng, trên ổ trứng có phủ một lớp lông màu vàng xám.

Sâu non: Màu xanh có sọc trên lưng, dọc theo bụng có một chuỗi đốm đen hình bán nguyệt, gần vạch lỗ thở có màu đỏ tím, đầu nâu có vân hình tam giác. Sâu non có 6 tuổi.

Nhộng: Khi đẫy sức sâu hóa nhộng ngay trong bụi lúa hoặc chui xuống kẽ nẻ đất hoặc bò lên bờ tìm kẽ đất để hoá nhộng. Nhộng có màu nâu đỏ, trên lưng có nhiều chất lõm, cuối bụng có gai móc câu lớn.

Bướm của sâu keo có tính hướng sáng yếu, ưa mùi chua ngọt, hoạt động về đêm còn ban ngày thường ẩn lấp trong các khóm lúa, bụi cỏ, bụi cây ven bờ.

Sâu non rất sợ ánh sáng mặt trời vì thế ban ngày chúng thường ẩn lấp dưới gốc lúa, gốc cỏ hay mặt dưới của lá lúa. Ban đêm hay những lúc trời râm mát, có mưa nhỏ... chúng mới bò lên cắn phá làm cho lá lúa bị khuyết từ hai bên mép lá vào đến gần gân chính.