Bệnh Sâu cắn gié trên cây Lúa

Sâu non mới nở tập trung ở ngọn lá, sau di chuyển xuống thân lúa, ban đêm bò lên ăn lá hoặc cắn gié lúa.

Sâu phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết ẩm và mát. Những năm mưa nhiều sâu cắn gié thường phát sinh mạnh do không khí mát mẻ và thiên địch trên ruộng bị suy giảm.

Sâu thường phát sinh nhiều trên đồng trũng, thấp, ẩm độ cao, nhiều cỏ, thời tiết ẩm và mát. Sâu non bò lên ngọn để ăn gié lúa làm lúa trỗ rơi rụng nhiều. Sâu non càng lớn ăn càng mạnh.

Sâu non đêm chui lên cắn phá lúa, ngày trời nắng chui xuống gốc để ẩn náu. Những năm mưa bão nhiều sâu phát sinh hại nặng.

Thường xuất hiện trên

Lúa

Triệu chứng

Sâu thường xuất hiện tập trung nên gọi là sâu đàn. Sâu non ăn lá lúa, ăn từ bìa lá vào chỉ còn chừa gân lá và thân, khi ruộng hết thức ăn sâu di chuyển qua ruộng lúa mới.

Giai đoạn bông, sâu cắn đứt ngang cuống bông và cuống gié làm gẫy bông và rụng gié lúa nên còn được gọi là sâu cắn gié. Mật độ cao năng suất giảm rất lớn.

Nhận biết sâu hại

Trưởng thành là loài bướm thân dài 18 - 20 mm, toàn thân màu đỏ nhạt. Cánh trước có một chấm tròn nhạt ở giữa và một đường kẻ nhỏ màu đậm chạy chéo từ đỉnh cánh trở vào, cánh sau bên trong màu trắng, bên rìa ngoài màu tối.

Trứng đẻ thành từng ổ, hình hơi tròn, không có lông tơ phủ bên ngoài, mỗi ổ có khoảng từ 50 - 70 trứng, mới đẻ màu trắng xanh, gần nở chuyển màu vàng.

Ấu trùng màu nâu vàng nhạt, phía lưng có 4 vệt màu đen xám chạy dọc, đầu màu nâu đậm, đẫy sức dài 38 - 40mm.

Nhộng màu nâu, ở giữa gốc khóm lúa hoặc ở dưới đất.

Vòng đời: 45 - 60 ngày. Trứng: 3 - 5 ngày, sâu non: 25 - 35 ngày, nhộng: 5 - 7 ngày, trưởng thành: 7 - 10 ngày.

Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn nấp dưới gốc lúa hoặc đám cỏ, thích mùi vị chua ngọt. Bướm có sức bay mạnh, có thể bay xa hàng chục cây số. Mỗi con cái có thể đẻ hàng ngàn trứng.