Bệnh Rệp vảy trên cây Cam

Rệp vẩy thường thích sống ở nơi nhiệt độ và ẩm độ cao. Ấu trùng cũng có thể phát tán nhanh qua cây khác nhờ vào gió.

Rệp thường được các loài kiến chăm sóc để ăn mật, trong đó có cả kiến vàng. Nên chúng cũng là nguyên nhân lây bệnh do có thể dính chân rệp non trong khi di chuyển.

Rệp có khả năng di chuyển cả ở thời kỳ rệp non mới nở và giai đoạn chuẩn bị đẻ trứng, nhưng chỉ phát tán một khoảng cách ngắn đến các cành lá gần nơi sinh sống.

Thường xuất hiện trên

Cam, Bưởi

Triệu chứng

Rệp vảy tụ tập trên lá, cuống, thân, chích hút nhựa cây làm lá bị vàng (có trường hợp bị xoăn) lá bị rụng, có khi chồi cũng bị chết, cây lùn và còi cọc rồi chết.

Chúng tấn công chủ yếu là ở các chồi non, lá non hoặc quả non.

Nấm có màu đen gọi là bồ hóng mọc trên dịch ngọt do rệp vảy tiết ra. Nấm này làm cho cây mọc yếu và có hình dạng khó nhìn. Kiến cũng thích dịch ngọt của rệp và sẽ giúp cho rệp di chuyển, lan truyền.

Nhận biết sâu hại

Có ít nhất là 20 loài rệp vẩy có màu sắc khác nhau (rệp vẩy đỏ, rệp vẩy vàng, rệp vẩy đen hình tròn, rệp vảy tím, rệp vảy tuyết…), gây hại trên cây có múi.

Hình dạng chung nhất của các loài là có chiều dài từ 2 - 7 mm, có loài dạng tròn, có loài dẹt, có loài dạng “chiếc chày” hơi dài.

Con đực thường có kích thước nhỏ hơn con cái; thân mềm có lớp da bao bọc. Có loài đẻ ra con (crawler), có loài đẻ ra trứng.

Rệp sáp mềm xanh lục (Cococus viridis):

Rệp cái trưởng thành của loài này có cơ thể hình bầu dục khá đều đặn, màu xanh lục hơi ngã vàng, hơi dẹp so với các loài rệp sáp khác, dài 3-4 mm.

Con cái sinh sản mà không cần bắt cặp. Trứng nở bên trong mai sáp mỏng và sâu non tuổi 1 có chân để bò đi tìm chổ cố định. Vòng đời vào khoảng 4 - 6 tuần.

Rệp vẩy đỏ (Aonidiella aurantii):

Đẻ khoảng 100 - 150 con và được con mẹ che chở ở dưới phần bụng. Ấu trùng đến tuổi 2 thì có thể phân biệt được đực và cái (đực dài, cái tròn). Con cái thì bắt cặp vào tuổi 3.

Hoàn tất vòng đời từ 6 - 8 tuần, có từ 2 - 5 thế hệ trong năm.

Rệp vẩy đỏ thường sống bên ngoài tán. Rệp vảy vàng thì sống bên trong tán.

Rệp vẩy hồng: Có thể đẻ đến 900 trứng, trung bình là 200 trứng; trứng nở ra con rất nhỏ có 3 đôi chân, 1 đôi râu và 2 mắt. Ấu trùng có 3 tuổi, con trưởng thành dài 3 - 4 mm. Vòng đời từ 3-4 tháng; có 2 thế hệ trong năm.

Rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica): Có vỏ cứng dày từ 3 - 5 cm, màu nâu và gồ cao nên rất dễ nhận. Chúng thường bám ở phía dưới lá hoặc trên thân cây, nhất là các góc kẽ nhánh cây.