Bệnh Rầy chổng cánh trên cây Cam

Rầy chổng cánh chích hút nhựa của chồi, lá, trái non và truyền vi khuẩn gây bệnh vàng lá gân xanh Greening.

Những cây ra lộc quanh năm thường bị gây hại nặng. Nhiệt độ thích hợp cho rầy chổng cánh phát sinh và gây hại là 28 - 30°C, độ ẩm 80 - 85%.

Thường xuất hiện trên

Cam, Quýt, Bưởi

Triệu chứng

Cả sâu non và sâu trưởng thành tập trung chích hút nhựa của chồi, lá, trái non làm chồi ngọn bị lụi dần, sần sùi và khô héo, các lá phía dưới bị vàng và quăn queo.

Chất thải của rầy thu hút nấm bồ hóng ảnh hưởng đến quang hợp. Khi ăn, cánh của chúng thường xếp trên lưng, phần bụng như hình mái nhà, đầu chúc xuống, phần cuối bụng chổng lên cao tạo thành 1 góc 30 - 40 độ so với bề mặt lá.

Nhận biết sâu hại

Trưởng thành là 1 loài rầy nhỏ, có thân dài 2 - 3 mm, toàn thân màu xám tro, hơi phớt màu xanh, cánh màu trong đục có nhiều đốm nâu nhỏ.

Sau khi hóa trưởng thành 4 - 5 ngày thì bắt đầu giao phối và đẻ. Trứng được đẻ thành từng cụm trên các đọt non. Một con cái đẻ khoảng 200 - 800 quả trứng.

Trứng hình bầu dục, dài 0,3 mm, có 1 đầu nhọn và được đính thẳng vào mặt lá, nách lá.

Ấu trùng (sâu non) hình bầu dục dẹp (giọt nước), màu xanh lục ngả màu vàng ở các tuổi nhỏ, di chuyển chậm chạp.

Sâu non có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 11 - 25 ngày.

Sâu non tuổi 5 có màu nâu vàng và 2 mầm cánh nhỏ.

Ở tuổi nhỏ sâu non thường sống tập trung và tiết ra các sợi sáp trắng (phân) quanh nơi sinh sống.

Vòng đời: Trứng: 4 - 6 ngày; sâu non: 12 - 20 ngày; trưởng thành: Có thể sống trên 8 tuần.