Bệnh Bệnh lở cổ rễ trên cây Khoai tây

Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra.

Nấm xâm nhập vào trong củ từ khi ngoài đồng hoặc trong thời gian bảo quản. Sợi nấm làm tắc bó mạch và làm cho cây bị héo rũ làm củ khoai bị thối. Trên củ giống tồn tại dạng hạch nấm là nguồn lây lan sang vụ sau.

Bệnh tồn tại trong đất do vậy nó phụ thuộc nhiều vào điều kiện của đất. Bệnh lở cổ rễ gây hại nặng trong điều kiện ẩm ướt và mát mẻ. Nhiệt độ đất thích hợp cho bệnh phát triển từ 16 - 23°C, khi nhiệt độ đất trên 25°C làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bệnh cũng gây hại nặng trên chân đất nhẹ và khô.

Bệnh cũng có thể lây lan từ cây trồng vụ trước bị nhiễm bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra như bệnh khô vằn ở ruộng lúa, ngô....

Thường xuất hiện trên

Khoai tây

Triệu chứng

Bệnh phá hại ở rễ, mầm, củ và thân. Khi nấm xâm nhập vào củ thì làm cho củ không nảy mầm được, cây con bị héo rũ ngay.

Bệnh xuất hiện ở phần cổ rễ dưới mặt đất trước, sau đó lan sang các bộ phận khác của cây. Vết bệnh màu nâu đỏ đến nâu phát triển trên mầm, ngọn và thân non, lá dần héo úa.

Phần gốc thân khoai tây bị nhiễm sùi lên những nốt nhỏ, vô định hình, chủ yếu ở phần gốc, có màu sắc như thân cây hay trắng nhạt loang lổ màu nâu.

Cây bị bệnh ngừng phát triển rũ xuống, nhổ cây lên thấy gốc có vết nứt màu nâu, sau đó bị thối.

Những cây bị bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, thường ra củ khí sinh (củ nhỏ) ở ngay nách lá trên mặt đất và hình thành ra các củ nhỏ, biến dạng ở gần mặt đất. Sau một thời gian thì cây sẽ chết.

Vết bệnh trên củ có màu nâu sẫm, đen, cứng, có kích thước và hình dạng khác nhau. Khi nấm phát triển mạnh có thể biến thành hạch nấm có màu nâu đậm và rất dễ rụng. Nếu trời ẩm ướt thì trên vết bệnh có lớp nấm trắng ngà.