Bệnh Sâu xám trên cây Khoai tây

Sâu non thường phá hại vào ban đêm, ban ngày chúng lẩn trốn ánh sáng ở gốc cây dưới đất.

Nhiệt độ thích hợp cho sâu non phát triển là từ 26 - 29°C, pha ngài và nhộng phát triển trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn 21 - 26°C. Nhiệt độ trên 40°C hoặc dưới 3°C nhộng bị chết hàng loạt.

Độ ẩm thích hợp cho sâu xám phát triển là 65 - 75%. Khi độ ẩm không khí giảm dưới 60% sâu non tuổi 1 bị chết hàng loạt. Đất quá ẩm hoặc quá khô cũng cản trở cho sâu sinh trưởng.

Sâu non kém chịu nước, nếu bị ngâm trong nước 32 giờ sẽ bị chết. Đất ngập nước trong vòng 48 giờ, sâu bị tiêu diệt toàn bộ. Nhìn chung độ ẩm đất từ 15 - 25% là thích hợp với sâu xám.

Ngài sâu xám thường tập trung đẻ trứng và đẻ nhiều trứng trên những ruộng khoai tây trồng sớm ở giai đoạn cây con. Sâu thường phá hại nặng nhất vào vụ khoai tây đông và thường phá hại mạnh trên những ruộng trồng chính vụ (trồng cuối tháng 11 thu hoạch vào cuối tháng 1 đầu tháng 2). Thời gian sâu gây hại nặng nhất thường vào trước Tết âm lịch.

Thường xuất hiện trên

Đậu cove, Ớt, Cà chua, Cải bắp, Khoai tây, Đậu, Đậu gà, Bông vải, Hành tây, Kê, Cao lương, Ngô, Lạc, Cây thuốc lá, Rau mùi ta, Mồng tơi, Cải xanh, Bắp cải, Cà rốt, Dưa chuột, Su hào, Măng tây, Lay ơn, Đậu tương, Súp lơ

Triệu chứng

Sâu xám gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây con. Nếu không phát hiện sớm chỉ trong một vài đêm chúng sẽ phá hủy cả ruộng khoai.

Biểu hiện triệu chứng gây hại tùy từng tuổi sâu:

Sâu tuổi 1 thường sống xung quanh vị trí đẻ trứng, gặm mô lá tạo thành những lỗ thủng trên lá, gây giảm hiệu quả quang hợp.

Sang tuổi 2 sâu chui xuống đất, ban đêm bò lên cắn cây con.

Sâu non tuổi 3, 4 sống xung quanh gốc cây và gặm lá và thân cây.

Sâu non từ tuổi 4 trở đi bắt đầu phá hại mạnh, có thể cắt đứt ngang thân cây và kéo phần thân bị hại xuống nơi ẩn nấp trong đất, làm cho thân cây bị đổ gục, héo và chết.

Nhận biết sâu hại

Trưởng thành: Có thân dài 16 - 23 mm, sải cánh rộng 42 - 54 mm. Thân có màu nâu tối. Râu đầu con cái hình sợi chỉ, râu con đực có dạng răng lược kép. Giữa cánh có một vân hình quả thận, một vân hình tròn và một vân hình gậy. Mép trước cánh có màu nâu đen có 6 chấm nhỏ màu trắng tro xếp cuối mép trước. Mép ngoài cánh có màu nâu. Thời gian sống của ngài từ 9 - 15 ngày. Sau khi hóa trưởng thành 3 - 5 ngày, con cái bắt đầu đẻ trứng.

Trứng: Trứng được đẻ rời rạc thành từng quả phía trên mặt đất, một bướm cái có khả năng đẻ khoảng 800 - 1000 trứng.

Trứng hình bán cầu, giống như bánh bao, đường kính 0,5 - 0,6 mm dày 0,3 mm. Đỉnh quả trứng có núm lồi lên, xung quanh có các đường khía chạy từ đỉnh xuống phía dưới. Trứng mới đẻ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu hồng. Trứng sắp nở có màu tím sẫm. Thời gian trứng 4 - 11 ngày.

Sâu non: Sâu non có 5 hoặc 6 tuổi, tuổi 6 cơ thể dài 45 - 50 mm. Đầu màu nâu sẫm, cơ thể có màu nâu xám hoặc đen bóng, phía dưới bụng màu vàng nhạt. Trên lưng có 2 vạch màu vàng nhạt, trên da phân bố đầy các nốt đen. Mảnh mông cuối bụng có 2 đường đai dọc màu nâu đậm.

Sâu non có tập tính giả chết, khi thấy động hoặc bị bắt chúng cuộn tròn người lại, một lát sau mới bỏ đi.

Thời gian sống pha sâu non từ 28 - 34 ngày.

Sâu non đẫy sức chui xuống đất để hóa nhộng ở lớp đất có độ sâu khoảng 2 - 5 cm.

Nhộng: Nhộng có màu nâu cánh gián, dài 18 - 24 mm. Ở giữa mép trước đốt bụng thứ 4 đến đốt thứ 7 có vạch màu nâu đậm đồng thời có chấm lõm xếp lộn xộn theo hàng ngang. Cuối bụng có một đốt gai ngắn. Nhộng có một lớp vỏ kén làm từ nước bọt của sâu nhào trộn với đất bột. Thời gian pha nhộng từ 10 - 12 ngày.