Bệnh Sâu đục thân mình hồng trên cây Mía

Sâu đục thân mình hồng mỗi năm có 7 - 8 lứa, thường xuất hiện từ tháng 5 và gây hại nặng vào tháng 8 và tháng 9.

Sâu non phá hại trên tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây mía và cây ký chủ phụ, nhưng chủ yếu phá hại vào mùa mưa, mưa càng nhiều sâu phá hại càng mạnh và phá hại trên mía mầm là chính. Đặc biệt chúng gây hại nặng trên ruộng mía trồng muộn.

Thường xuất hiện trên

Lúa mì, Lúa, Kê, Cao lương, Ngô, Mía, Mía

Triệu chứng

Cây mía mầm bị hại có hiện tượng “nõn héo”.

Cây mía lớn đã có lóng bị hại có hiện tượng “khô ngọn”; miệng lỗ đục có nhiều bã phân sâu ướt, chảy thành dòng xuống dưới; bẹ lá gần lỗ đục bị thối nhũn, biến màu.

Nhận biết sâu hại

Ngài trưởng thành: Cánh trước màu vàng rơm, cánh sau màu trắng. Trên cánh trước có 1 vệt đen hình tam giác chạy từ gốc cánh chạy ra ngoài.

Trứng: Hình bánh bao dẹt, khi mới đẻ có màu trắng hồng, sau khi đẻ 2 - 3 ngày chuyển sang màu trắng vàng và cuối cùng là màu nâu vàng. Trước khi nở 24 giờ có thể nhìn thấy rõ đầu sâu non màu đen ở trong trứng. Trên bề mặt trứng có các vân ngang, dọc, số vân trên 1 trứng khoảng 40 - 65. Trứng được đẻ thành ổ ở trong bẹ lá hoặc trên mặt phiến lá. Kích thước trứng là 0,9 x 0,4 mm.

Sâu non: Có lưng màu hồng, không có sọc, phần bụng màu trắng, mảnh đầu màu nâu hơi đỏ, Chân bụng và chân mông phát triển, lỗ thở hai bên cơ thể màu đen nhìn thấy dễ.

Nhộng: Có màu nâu sẫm, cuối thân nhộng, về phía lưng và phía bụng có 4 gai màu đen. Tuỳ theo mùa vụ, điều kiện thời tiết khí hậu và thức ăn mà nhộng có kích thước và khối lượng khác nhau nhưng, nhộng đực luôn nhỏ hơn nhộng cái trong cùng điều kiện. Kích thước nhộng khoảng 15 - 16 mm.