Bệnh Xén tóc nâu lớn trên cây Mía

Trưởng thành là loài ăn đêm và thường xuất hiện từ tháng 4 - 6 hàng năm khi bắt đầu mùa mưa. Vòng đời 381 - 793 ngày, trong điều kiện thuận lợi trung bình khoảng 1 năm. Sau khi vũ hóa trưởng thành bắt đầu ghép đôi giao phối (thường vào ban đêm) và 1 - 2 ngày sau thì bắt đầu đẻ trứng.

Trứng 11 - 27 ngày, sâu non 1 - 2 năm ngày, nhộng 9 - 16 ngày, trưởng thành đực 7 - 20 ngày, trưởng thành cái 7 - 16 ngày.

Sâu non sau khi nở đào hang trong gốc mía và tấn công gốc mía, có thể đục ăn lên 20 - 30 cm phần lóng trên mặt đất, đến tuổi 5 sâu bắt đầu chui lên đục vào thân cây mía, ăn hết phần thịt lóng chỉ còn chừa lại lớp vỏ thân.

Thường xuất hiện trên

Mía, Mía

Triệu chứng

Cây mía bị hại rất dễ bị đổ ngã, khô vàng và chết rất nhanh.

Ruộng mía bị hại bị giảm mật độ và chiều cao cây, năng suất mía trung bình giảm khoảng 36% trên ruộng mía tơ và 51% trên ruộng mía gốc.

Nhận biết sâu hại

Trưởng thành: Có kích thước lớn, chiều dài cơ thể khoảng 38 - 41 mm và chiều rộng cơ thể trong khoảng 14 - 16 mm. Màu sắc chủ đạo là màu nâu, nâu đỏ hoặc nâu sáng bóng, phần đầu, răng, gốc anten có màu đen đậm. Anten khá dài và chia từ 10 - 12 đốt, các đốt gốc phình to rõ rệt. Thân ngắn, mỗi bên thân có 3 gai nhọn, 2 gai gần đầu bằng nhau và gai gần bụng nhỏ hơn.

Trứng: Hình bầu dục, có màu trắng ngà, kích thước khoảng 4,5 mm x 1,5 mm. Trên bề mặt trứng mới đẻ có phủ 1 lớp chất keo dính trứng lại với nhau thành từng cụm khoảng 4 - 7 quả. Trứng đẻ ở độ sâu 10 - 40 mm, ngay dưới lớp đất mặt và mùn.

Sâu non: Mới nở màu trắng ngà, trên bề mặt cơ thể có phủ 1 lớp lông tơ, kích thước trung bình 4,5 mm x 1,8 mm. Lớp lông trên bề mặt cơ thể rụng dần theo thời gian, sâu non tuổi lớn chỉ còn lác đác vài sợi, bề mặt cơ thể nhẵn bóng. Ba đốt chân ngực thoái hoá chỉ còn là những mấu nhỏ. Trong quá trình phát triển màu sắc sâu non chuyển dần từ trắng ngà sang màu vàng nhạt. Đốt ngực trước phát triển nhất và mang 1 đôi lỗ thở, 2 đốt ngực còn lại nhỏ. Mảnh lưng ngực trước hình thang. Ba đôi chân ngực rất nhỏ. Bụng có 9 đốt, mỗi đốt cơ 1 đôi lỗ thở trừ đốt cuối cùng. Lỗ thở ở đốt ngực to hơn ở các đốt bụng. Các đốt bụng nhỏ dần về phía cuối. Mặt lưng và bụng có các vùng hình đĩa có tác dụng giúp cho quá trình di chuyển của chúng.

Nhộng: Là dạng nhộng trần hình thái gần giống với trưởng thành, cánh và râu ở dạng mầm, màu sắc biến đổi từ trắng ngà sang vàng đậm. Nhộng thường nằm trong tổ đất ở độ sâu khoảng 20 cm.