Bệnh Sâu vẽ bùa trên cây Bưởi

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, phát triển mạnh vào mùa mưa, mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, thức ăn của sâu, phân bón cho cây chưa hợp lý, thừa đạm nhiều.

Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23 - 29°C, độ ẩm 85 - 90%.

Sâu vẽ bùa là môi giới truyền bệnh loét trên bưởi.

Thường xuất hiện trên

Cam, Dạ yến thảo, Quýt, Bưởi, Hoa hồng, Hoa cúc

Triệu chứng

Trưởng thành là một loại ngài nhỏ, cơ thể dài 2 - 3 mm, sải cánh rộng 4 - 5 mm. Toàn thân có màu vàng nhạt phớt ánh bạc. Cánh sau rất hẹp so với cánh trước, cả hai cánh đều có rìa lông dài.

Trứng có dạng hình bầu dục, nhỏ, kích thước 0,2 - 0,3 mm. Lúc đầu trong suốt sắp nở có màu trắng vàng, thời gian đẻ trứng từ 2 - 10 ngày.

Sâu non đẫy sức dài 4 mm, mình dẹp, không chân, đốt cuối bụng có hình ống dài.

Khi đẫy sức, sâu non đục ra mép lá, nhả tơ dệt kén để hóa nhộng ở đó. Thường hóa nhộng gần gân lá, chỗ lá bị quăn.

Nhộng dài khoảng 2 - 3 mm, màu nâu vàng, cạnh bên mỗi đốt thân có 1 u lồi, trên có 1 sợi lông.

Vòng đời sâu vẽ bùa khoảng 19 - 38 ngày. Trứng: 1 - 6 ngày, sâu non: 4 - 10 ngày, nhộng: 7 - 12 ngày, trưởng thành: 7 - 10 ngày. Mỗi năm có 12 - 14 lứa.

Nhận biết sâu hại

Sâu gây hại chính trên lá non, quả non. Sâu đục những đường hầm ở mặt dưới lá, để lại lớp biểu bì trắng bạc.

Sâu non ăn phần nhu mô của lá tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì, phía sau là đường phân thải ra của sâu như sợi chỉ. Lớp biểu bì có thể bị bong ra hoặc trông giống như nhầy ốc sên.

Lá quăn queo, biến dạng và giảm khả năng quang hợp. Vết đục sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh loét. Sâu trưởng thành hóa nhộng gần mép lá.