Bệnh Nhện đỏ trên cây Hoa hồng

Nhện đỏ có tốc độ sinh sản cao suốt mùa khô (độ ẩm thấp và nhiệt độ cao). Hơn nữa khả năng sinh sản của nhện thay đổi tùy theo cây ký chủ, dinh dưỡng, và sự hiện diện của thiên địch.

3 yếu tố tác động đến sự phát sinh của nhện đỏ là nhiệt độ, độ ẩm, mưa:

Nhiệt độ thay đổi nhanh hay chậm làm giảm số lượng của chúng.

Độ ẩm cao liên tục làm giảm sự tăng trưởng quần thể nhện vì nó ảnh hưởng đến việc đẻ trứng, nở trứng và sự sống của sâu non.

Mưa giúp giảm quần thể nhện đỏ. Mưa to làm tăng độ ẩm, vì thế làm giảm tốc độ sinh sản và rửa trôi nhện.

Thường xuất hiện trên

Cam, Thanh long, Sắn, Sầu riêng, Ớt, Lan Hồ Điệp, Lan Kiếm, Rau mùi ta, Hoa hồng, Chôm chôm, Quýt, Bưởi, Hoa trà, Đỗ quyên, Cà chua, Hoa mai, Lan đai châu, Hoa giấy

Triệu chứng

Nhện cư trú ở mặt dưới của lá, chích hút dịch trong mô lá tạo thành vết hại có màu nâu làm cho lá có màu vàng, quăn queo rồi rụng. Hầu hết các loài nhện đều tạo màng tơ trên cây ký chủ.

Nhện ăn làm cho lá chuyển màu vàng xám. Các đốm hoại tử xuất hiện khi lá bị nặng. Khi nhện đỏ dời lớp sáp, lớp mô thịt lá xẹp xuống và tạo thành các đốm màu nơi nó chích hút. Có khoảng 18 - 20 tế bào bị hủy/phút.

Quá trình chích hút tạo thành các vết chấm trắng và về sau lá trở nên vàng xám hay màu đồng.

Khi mật độ nhện đỏ nhiều, nhện phân bố khắp bề mặt lá, bao gồm cả mặt trên lá, những đốm vàng bao trùm cả lá làm chuyển sang màu đỏ hay rỉ sắt. Lá rụng hướng về ngọn, chồi bị teo tóp lại và cây có thể bị chết.

Nhận biết sâu hại

Nhện rất nhỏ và khó nhìn, màu đỏ, nhện non màu vàng cam.

Nhện đỏ hình bầu dục, con trưởng thành có 8 chân, kích thước rất nhỏ từ 0,18 - 0,35 mm nên rất khó phát hiện bằng mắt thường. Sau khi nở, kích thước của con nhện đực nhỏ hơn con cái, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu vàng nhạt, xanh lá cây, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình.

Vòng đời của nhện là kết hợp của trứng, sâu non và 2 giai đoạn ấu trùng (protonymph và deutonymph) và trưởng thành.

Thời gian từ trứng đến trưởng thành thay đổi phụ thuộc lớn vào nhiệt độ. Trong điều kiện phòng thí nghiệm (Nhiệt độ: 25 - 28°C, độ ẩm 70%): trứng 3 - 4 ngày, sâu non 2 - 5 ngày, tiền ấu trùng 1 - 2 ngày và ấu trùng 1 - 3 ngày. Thời gian từ trứng đến trưởng thành từ 7 - 14 ngày và thời gan sống của trưởng thành kéo dài đến 22 ngày. Có nhiều thế hệ trùng lặp trong năm.