Bệnh Sâu đục thân cành trên cây Vải

Sâu đục thân thích nơi râm mát, ban ngày ẩn nấp, ban đêm thường tìm đến đẻ trứng vào những kẽ nứt, những chỗ gồ ghề ở thân cây cách mặt đất từ 0,3 - 1,0 m. 

Sâu hại chủ yếu vào giai đoạn mùa hè tháng 5, 6 và 7.

Đến tháng 6 hàng năm, sâu non hóa nhộng trần, nhộng mới hóa có màu trắng, sau chuyển màu đen, sau đó hóa trưởng thành tự đục lỗ chui ra ngoài.

Thường xuất hiện trên

Vải

Triệu chứng

Phần lớn sâu non phá cây vải bằng cách đục vào trong gỗ, chúng đẻ trứng trên những kẽ nứt của vỏ cây, sau khi nở, sâu non sẽ đục vào trong phần gỗ cây.

Những đường đục trong gỗ cây thường có dạng hình tròn (thiết diện cắt ngang) khác với đường đục của ấu trùng họ Bổ củi giả, thường có dạng bầu dục. Sâu đục thân cành thường kéo dài một đoạn thẳng nhỏ trước khi quay hướng đục. 

Trưởng thành của một số sâu đục thân cành có thể ăn và gây hại trên hoa.

Sâu non đục vào thân hoặc nhánh cây làm chết nhánh, suy yếu cả cây và cây có thể chết nếu bị gây hại nặng. Chỗ sâu đục có dịch nhựa chảy và các hạt như mùn cưa đùn ra.

Thường khi thấy thân cành héo khô, gãy chết mới có thể phát hiện các lỗ đục trên.

Những cành cây, thân cây bị sâu đục thân thường còi cọc, kém phát triển, lá vàng, quả nhỏ, cho quả kém, thậm chí làm chết cành hoặc chết cả cây.

Nhận biết sâu hại

Sâu trưởng thành dài 20 - 30 mm, rộng 8 - 11 mm, phần đầu đen, miệng nhai rất phát triển. Phần ngực và bụng màu đen, lưng có màu vàng đậm trên đó có các vân đen cắt chéo nhau chia cách thành hình mai rùa.

Trứng tròn, màu trắng được đẻ rải rác trong các vết nứt của vỏ cây.

Sâu non có hình trụ, màu trắng ngà hay trắng sữa, đầu có màu đen, miệng nhai rất phát triển, đẫy sức dài tới 60 mm. Sâu non sau khi nở đục vào thân theo hướng lỗ đục về phía gốc. Trên miệng lỗ đục thường có phân đùn ra ngoài.

Nhộng được bao bọc bởi một cái kén trắng to. Thời gian pha nhộng có thể từ 1 - 3 tháng.