Bệnh Ruồi đục lá trên cây Cải xanh

Những năm gần đây loài sâu hại này đã phát sinh và gây hại nhiều ở nước ta.

Sâu thường gây thành dịch hại vào đầu mùa khô, thường từ giai đoạn cây có lá bánh tẻ trở đi.

Thường xuất hiện trên

Táo, Nho, Đậu cove, Ớt, Cà tím, Dưa chuột, Cà chua, Cải bắp, Khoai tây, Đậu, Đậu triều (Đậu săng), Đậu gà, Bông vải, Đậu tương, Hành tây, Đậu bắp, Lạc, Xoài, Đu đủ, Cà phê, Dưa hấu, Khổ qua (Mướp đắng), Xà lách, Cải xanh, Lan Hồ Điệp

Triệu chứng

Thành trùng hoạt động vào 7 - 9 giờ sáng và 4 - 5 giờ chiều.

Thành trùng cái rạch nhiều lỗ, các lỗ đục thường xuất hiện ở chóp lá hay dọc theo bìa lá, trứng nở ra dòi đục giữa biểu bì lá thành những đường ngoằn ngoèo, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của ấu trùng, làm khô lá và giảm diện tích quang hợp của lá.

Khi trưởng thành giòi đục thủng biểu bì chui ra ngoài và làm nhộng trên mặt lá hay trên các bộ phận khác của cây hoặc buông mình xuống đất làm nhộng.

Nhận biết sâu hại

Thành trùng rất nhỏ dài từ 1,3 - 1,5 mm; màu đen bóng nhưng một phần cơ thể gồm cả phiến mai trên ngực có màu vàng. Mắt kép có màu đen bóng. Bụng và chân có nhiều lông, chân màu vàng, đốt chày và đốt bàn màu đen, bàn chân 5 đốt, đốt cuối có 2 móng cong màu đen.

Trứng rất nhỏ có màu trắng hồng, tròn, đường kính khoảng 0,2 mm.

Ấu trùng có chiều dài khoảng 2 mm, màu vàng nhạt khi mới nở sau đó chuyển sang màu vàng đậm. Cơ thể có 10 đốt, miệng dạng mốc câu màu đen, thời gian phát triển của ấu trùng từ 3 - 4 ngày.

Nhộng có chiều dài 1,5 mm; rộng 0,7 mm. Thời gian phát triển của nhộng 6 - 8 ngày. Nhộng màu nâu vàng, dính trên lá chỗ cuối đường đục hoặc rơi xuống mặt đất.

Ruồi có vòng đời trung bình 25 - 30 ngày.