Bệnh Nhện đỏ trên cây Rau muống

Nhện đỏ phát triển trong điều kiện khô hạn trong mùa nắng, cây bón nhiều đạm. Do có vòng đời ngắn nên thường mật độ nhện tăng lên rất nhanh và gây hại nghiêm trọng.

Nhện di chuyển và lan truyền nhờ gió và những sợi tơ, mạng của chúng.

Nhện đỏ thường xuất hiện sớm ở mặt dưới của lá nên rất khó phát hiện, sau đó sinh sôi nảy nở rất nhanh, cắn hại lá, chích hút dịch bào trong mô lá lan tạo ra các đốm li ti dày đặc màu nâu, rồi thành từng đám lớn.

Khi bị hại nặng, ở đằng sau lưng lá xuất hiện các sợi tơ, làm cho lá bị vàng đi, khô và rụng.

Thường xuất hiện trên

Táo, Nho, Đậu cove, Ớt, Cà tím, Dưa chuột, Cà chua, Cải bắp, Khoai tây, Đậu, Đậu triều (Đậu săng), Bông vải, Lúa mì, Đậu tương, Hành tây, Kê, Cao lương, Ngô, Chuối, Đậu bắp, Cam, Lạc, Sắn, Mía, Mía, Dưa hấu, Lựu, Rau muống, Hoa đào, Sen ao, hồ, Sen chậu, Lay ơn, Hoa hướng dương, Mận, Đồng tiền, Hoa cúc

Triệu chứng

Nhện đỏ ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi làm cây bị mất màu xanh và có màu vàng, làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lỗ (những chấm trắng vàng rất rễ nhận ra trên mặt lá), còn ở mặt dưới lá có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám, nhìn kỹ thấy trên đó có lớp tơ rất mỏng.

Khi nhện hại nặng lá cây bị phồng rộp sau đó bị nhỏ lại, vàng, thô cứng và sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá và làm giảm phẩm chất rau. Nhện còn có thể truyền bệnh virus cho cây.

Nhận biết sâu hại

Nhện trưởng thành rất nhỏ, hình bầu dục, dài 0,5 mm. Nhện màu đỏ hồng, có 8 chân, di chuyển nhanh.

Trứng rất nhỏ, hình bán cầu, màu đỏ sẫm và được gắn chặt vào mặt dưới của lá, nhìn qua kính phóng đại thấy chính giữa quả trứng có 1 sợi ngắn thẳng đứng.

Nhện non giống trưởng thành màu hồng nhưng chỉ có 3 đôi chân thay vì là 4 đôi. Con cái thay da 3 lần trong khi con đực thay da chỉ có 2 lần.

Vòng đời trung bình 20 - 25 ngày, trứng 4 - 6 ngày, nhện non 13 - 15 ngày, trưởng thành đẻ trứng 3 - 5 ngày.