Bệnh Nhện đỏ trên cây Hoa đào

Nhện đỏ gây hại bằng cách chích lên tế bào cây và hút dịch cây. Nhện đỏ cũng có thể gây hại bằng cách truyền bệnh virus từ cây này sang cây khác.

Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, tháng 6 đến tháng 9. Nhện có tốc độ sinh sản cao suốt mùa khô (ẩm độ thấp và nhiệt độ cao).

Nhiệt độ là yếu tố chính tác động đến quần thể nhện đỏ, nhiệt độ thay đổi quá nhanh hay quá chậm sẽ làm giảm số lượng nhện.

Độ ẩm cao liên tục làm giảm sự tăng trưởng quần thể vì nó ảnh hưởng đến việc đẻ trứng, nở trứng và sự sống của sâu non. Mưa cũng giúp giảm quần thể nhện đỏ. Mưa to không chỉ làm tăng ẩm độ, vì thế làm giảm tốc độ sinh sản, mà còn làm rửa trôi nhện nhỏ.

Nhện đỏ sinh sản quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất vào mùa hè và mùa thu từ tháng 4 - 9 hàng năm, trên cây được bón nhiều phân Đạm.

Nhện đỏ lan truyền từ cành này qua cành khác, cây này qua cây khác nhờ những sợi tơ, gió và các dụng cụ, người làm vườn.

Thường xuất hiện trên

Táo, Nho, Đậu cove, Ớt, Cà tím, Dưa chuột, Cà chua, Cải bắp, Khoai tây, Đậu, Đậu triều (Đậu săng), Bông vải, Lúa mì, Đậu tương, Hành tây, Kê, Cao lương, Ngô, Chuối, Đậu bắp, Cam, Lạc, Sắn, Mía, Mía, Dưa hấu, Lựu, Rau muống, Hoa đào, Sen ao, hồ, Sen chậu, Lay ơn, Hoa hướng dương, Mận, Đồng tiền, Hoa cúc

Triệu chứng

Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá và thường chích hút dịch trong mô lá và hoa, tạo thành vết hại có màu nâu phồng rộp, quăn queo vàng khô và rụng đi.

Nhện đỏ thường tập trung ở cả mặt trên và dưới lá, cắn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây, làm giảm khả năng quang hợp, tăng thoát hơi nước và giảm sự phát triển của cây.

Cây bị nhện hại nhẹ, lá có đốm trắng như hạt bụi li ti, sau chuyển sang vàng, phồng rộp, cằn lại, khô cứng và rụng.

Cây bị hại nặng, lá có màu trắng bạc, dễ bị rụng, cây còi cọc, sinh trưởng kém. Khi mật độ cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành trở nên khô và chết. Nhện đỏ gây hại có thể khiến hoa bị thui, rụng.

Nhện chích hút còn là nhân tố truyền virus cho cây.

Nhận biết sâu hại

Nhện đỏ hình bầu dục, con trưởng thành có 8 chân, kích thước rất nhỏ từ 0,18 - 0,35 mm nên rất khó phát hiện bằng mắt thường.

Vòng đời nhện đỏ ngắn, chỉ từ 2 - 4 tuần, nhưng chúng sinh sôi rất nhanh, con cái bắt đầu đẻ 15 - 20 trứng mỗi ngày trong vòng 1 tuần sau khi nở, kích thước của con nhện đực nhỏ hơn con cái, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu vàng nhạt, xanh lá cây, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình.

Nhện đỏ có khả năng sinh sản hữu tính hoặc vô tính, phát triển qua 5 giai đoạn: Trứng, Ấu trùng, Nhộng I, Nhộng II, Nhện trưởng thành.

Trứng được đẻ dính vào sợi tơ mạng nhện và nở sau khoảng 3 ngày. Thời gian từ trứng đến trưởng thành thay đổi phụ thuộc lớn vào nhiệt độ. Thời gian từ trứng đến trưởng thành từ 7 - 14 ngày và thời gian sống của trưởng thành kéo dài đến 22 ngày. Có nhiều thế hệ trùng lặp trong năm.