Bệnh Bọ vòi voi trên cây Dừa

Trưởng thành, ấu trùng và nhộng còn có thể lây lan, phát tán theo các con đường vận chuyển trái giống, các bộ phận của cây ký chủ, trôi theo dòng nước, bám dính trên các phương tiện vận chuyển sản phẩm cây dừa bị nhiễm bọ vòi voi.

Trưởng thành bọ vòi voi hại dừa có cánh nên chúng phát tán chủ động.

Thường xuất hiện trên

Dừa

Triệu chứng

Trái bị hại có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục, tập trung quanh cuống trái. Nhựa màu trong suốt sau đó chuyển sang màu vàng, vàng nâu và khô cứng. Tại nơi vết nhựa chảy ra thường có phân đi kèm (có thể do phân ấu trùng thải ra).

Ấu trùng gây hại bằng cách đục vào vỏ trái, chúng có thể đục vào tới gáo dừa (giai đoạn trái non).

Ngoài ra  bọ vòi voi còn gây hại trong rễ dừa và thân dừa. Trên thân dừa, triệu chứng đầu tiên để nhận biết là trên thân dừa có đốm màu nâu sậm, chảy mủ màu vàng nâu, kẹo giống như “mủ trôm”, dùng dao vạt ngay nơi chảy mủ, bên trong có nhiều hang nhỏ, bọ vòi voi nằm trong những hang đó. Trong thân, tìm thấy bọ vòi voi đủ mọi giai đoạn (ấu trùng, trưởng thành, nhộng, chúng nằm sâu bên trong, gần sát phần gỗ, ăn khoét phần gỗ dừa. Nơi gây hại thường gần gốc hoặc cách gốc khoảng 1 m.

Bọ vòi voi còn có thể gây hại rễ dừa. Khi thấy những tàu lá dưới chuyển màu vàng, dần dần những tàu lá trên cũng vàng (diễn biến xảy ra chậm từ 3 - 5 tháng), cây dừa kém phát triển hẳn, chậm ra lá, trái rụng nhiều đó là những triệu chứng báo hiệu sự xuất hiện và gây hại của bọ vòi voi vùng rễ.

Nhận biết sâu hại

Trưởng thành vòi voi là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen. Cánh trước có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh.Chiều dài con trưởng thành khoảng 7-8 mm, chiều ngang khoảng 1.5 mm. Ấu trùng màu vàng lợt, sống bằng cách đục thành đường hầm trong vỏ trái.

Trưởng thành sợ ánh sáng, hoạt động mạnh lúc chiều tối, chúng sống ở nơi tiếp xúc giữa hai trái hoặc gần cuống trái.

Trứng được đẻ trên vỏ trái gần cuống hoặc bên trong vỏ trái (nơi có sẵn đường hầm do ấu trùng phá hại trước đó hoặc vết thương do các côn trùng khác gây hại).

Bọ vòi voi gây hại trên nhiều bộ phận của cây dừa như thân, rễ nhưng phổ biến nhất là trên trái dừa.