Bệnh Sâu xám trên cây Lay ơn

Sâu thường xuất hiện vào giai đoạn cây con và gây hại trầm trọng nhất ở những vùng đất nhẹ, đất cát nơi sâu non có thể vùi mình dễ dàng. Sâu non có tính giả chết, khi bị đụng vào chúng cuộn lại, lăn ra giả chết. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất. Chúng phát sinh ở thời tiết lạnh, ẩm độ cao.

Ở miền Bắc sâu xám hại nặng trên hoa màu trồng trong vụ Đông xuân và vụ Xuân.

Thường xuất hiện trên

Đậu cove, Ớt, Cà chua, Cải bắp, Khoai tây, Đậu, Đậu gà, Bông vải, Hành tây, Kê, Cao lương, Ngô, Lạc, Cây thuốc lá, Rau mùi ta, Mồng tơi, Cải xanh, Bắp cải, Cà rốt, Dưa chuột, Su hào, Măng tây, Lay ơn, Đậu tương, Súp lơ

Triệu chứng

Sâu xám phá hại ở thời kỳ cây non (từ khi mầm vươn ra khỏi mặt đất cho đến giai đoạn 2 lá). Sâu mới nở gặm biểu bì lá, sâu tuổi lớn cắn đứt gốc cây con.

Có khi sâu xám đào hang trong thân cây, khiến cây héo úa và cây trưởng thành bị đổ rạp.

Nhận biết sâu hại

Sâu non màu xám đen nâu hoặc màu nâu xám, dọc theo hai bên thân có một dãy đen mờ, đầu đen (hoặc nâu sẫm). Trên mỗi đốt thân phía trên có 4 u lông nhỏ, phía dưới có 4 u lông lớn. Đốt cuối cùng ở mảnh lưng có 2 vệt màu nâu đậm.

Vòng đời trung bình 50 - 60 ngày, trong đó giai đoạn sâu non 30 - 35 ngày: Trứng 4 - 11 ngày. Sâu non 22 - 34 ngày. Nhộng 9 - 13 ngày. Bướm đẻ trứng sau 2 - 4 ngày.

Bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất, một bướm cái có thể đẻ khoảng 800 - 1000 trứng.

Tuổi 2, ban ngày sâu ẩn nấp dưới mặt đất ngay dưới gốc cây, hoặc mặt dưới của lá, ban đêm chui lên ăn lá non hoặc gặm xung quanh thân cây non.

Từ tuổi 3 - 4 trở đi sâu phá mạnh, cắn đứt ngang thân cây (làm cây bị khuyết hoặc bị cắn đứt) kéo xuống đất. Mỗi đêm, một con sâu có thể cắn đứt 3 - 4 cây non.