Bệnh Sâu cắn lá nõn trên cây Ngô

Những năm có mùa đông mưa ẩm, sâu thường phát sinh nhiều, phá hại mạnh. Thời tiết khô hanh không thích hợp cho sâu sinh trưởng và phát dục.

Sâu sinh trưởng thích hợp trên loại đất cát pha hoặc thịt nhẹ, thích hợp nhất là loại đất phù sa ven sông. Đất khô không thích hợp cho sâu sinh trưởng và hoá nhộng.

Đất ướt và bí cũng không thích hợp đối với sâu.

Hàng năm sâu cắn lá nõn có thể phát sinh 7 - 8 lứa. Thường gây hại nặng đối với các trà ngô đông xuân gieo muộn trong tháng 12 (lúc này khoảng 5 - 8 lá). Mùa hè và mùa thu, sâu thường chỉ tồn tại lẻ tẻ trên cây ký chủ hoặc các ký chủ có tác hại không đáng kể.

Thường xuất hiện trên

Lúa mì, Kê, Cao lương, Ngô

Triệu chứng

Sâu non tuổi nhỏ cắn phá các phần non như lá nõn, hoa đực (lúc ngô chưa trỗ).

Sâu tuổi lớn hơn thường gặm khuyết phiến lá, chỉ còn trơ gân chính của lá, thậm chí ăn trụi cả phần thân non tới tận đỉnh sinh trưởng.

Khi ngô trỗ cở, chúng có thể chui vào bắp ăn hạt non, râu ngô làm tỷ lệ kết hạt ở bắp bị giảm đi.

Nhận biết sâu hại

Ngài thân dài 14 - 18 mm, sải cánh rộng 25 - 30 mm. Đầu, ngực màu nâu tro, cánh trước màu nâu nhạt hoặc nâu vàng, mép sau buồng giữa cánh màu tương đối đậm, đường vân xiên trên cánh đen và mịn, vân hình quả thận, về phía góc dưới của buồng giữa cánh có một chấm trắng rõ rệt, đường vạch ngoài mép cánh là một hàng chấm đen.

Mép ngoài cánh màu hơi tối. Cánh sau màu trắng, mạch cánh và mép ngoài màu nâu. Trứng hình cầu, có đường kính 235,5 μ. Trên trứng có những đường sống nổi hình mạng lưới. Trứng mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển sang màu nâu.

Sâu non đẫy sức dài 22 - 30 mm, màu nâu nhạt. Đầu màu nâu vàng, có vân mạng lưới không quy củ. Trên lưng dọc theo cơ thể có 4 vạch màu nâu thẫm. Vạch lỗ thở rộng. Nhộng dài 18 - 19 mm, màu cánh gián nhạt hoặc sẫm. Mặt lưng các đốt bụng thứ 4, 5, 6, 7 ở phía mép trước có hàng chấm nâu sẫm.