Bệnh Sâu vẽ bùa trên cây Đậu bắp

Sâu vẽ bùa phá hại trên nhiều loại cây nên có mặt quanh năm trên đồng ruộng.

Nhiệt độ thích hợp cho sâu vẽ bùa phát sinh gây hại là 23 - 29°C, độ ẩm 85 - 90%.

Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, từ khi cây con đến khi thu hoạch, tỷ lệ lá bị hại tăng dần và đạt gần 90 - 100% vào thời kỳ cuối.

Tháng 12, 1, 2, 6 và 7 tỷ lệ hại thấp hơn các tháng khác (do nhiệt độ thấp vào mùa đông và quá cao vào mùa hè so với nhu cầu sinh thái loài này).

Sâu thường gây thành dịch hại vào đầu mùa khô, từ giai đoạn cây có lá bánh tẻ trở đi.

Thường xuất hiện trên

Xà lách, Cà chua, Đậu bắp

Triệu chứng

Giòi đục qua lớp biểu bì và ăn sâu vào lớp nhu mô tạo thành các đường đục ngoằn ngoèo. Giữa đường đục có vết phân màu xanh hoặc nâu đen do dòi thải ra.

Độ rộng của đường đục tăng đều từ khoảng 0,25 - 1,5 mm theo độ tuổi của giòi.

Các vết đục chạy khắp mặt lá làm cho lá bị khô, giảm diện tích quang hợp, cây sinh trưởng kém, giảm phẩm chất của quả, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.

Cây con thường bị hại nặng nhất ở phần lá mầm.

Nhận biết sâu hại

Cơ thể trưởng thành dài tới 1,7 mm với 2 màu chủ đạo là vàng và đen; con cái lớn hơn con đực; khu trán, đốt râu thứ ba và phiến mai/ mảnh mai có màu vàng; ngực giữa và bụng có màu đen.

Trứng hình bầu dục, kích thước xấp xỉ 0,25 x 0,12 mm; mới đẻ có màu trắng sữa, sau đó chuyển dần sang màu trắng đục. Trứng nằm gọn trong vết châm của ruồi cái trên lá. Trứng được đẻ ngay dưới bề mặt lá; thời gian nở từ 2 - 5 ngày tùy theo nhiệt độ.

Sâu non không chân, không có nang đầu; có 3 tuổi và đạt chiều dài khoảng 2,25 mm. Mới đầu cơ thể sâu non có màu trắng trong, tuổi 2 có màu vàng nhạt, tuổi 3 có màu vàng rơm.

Nhộng hình bầu dục, hơi dẹt, màu nâu đỏ, chiều dài khoảng 1,5 mm và chiều rộng 0,75 mm. Sự hóa trưởng thành sẽ thay đổi tùy theo mùa và nhiệt độ. Cụ thể là từ 7 - 14 ngày sau khi hóa nhộng ở nhiệt độ từ 20 - 30°C.