Bệnh Sâu xanh da láng trên cây Nho

Sâu phát sinh mạnh trong điều kiện thời tiết khô nóng. Tại Ninh Thuận, sâu phát sinh mạnh vào các tháng 12 tới tháng 7 năm sau.

Vùng nho trồng trên đất cát quanh khu vực trồng hành tây ven biển Ninh Thuận thường bị hại nặng hơn do nguồn sâu tồn tại quanh năm.

Thường xuất hiện trên

Cải bắp, Đậu gà, Đậu tương, Hành tây, Tỏi tây, Hành củ ta, Hành lá, Tỏi ta, Nho, Cà chua, Ớt, Dưa chuột, Dưa lưới, Dưa hấu, Bí ngô, Măng tây, Đậu bắp, Lạc

Triệu chứng

Bên dưới mặt lá nho có các ổ trứng phủ một lớp lông màu trắng, sâu non nở ra tuổi nhỏ (sau 1-2 ngày) tập trung cắn phá xung quanh ổ trứng, làm cho nát hẳn phần lá.

Nhiều sâu nhỏ xuất hiện nên người dân vùng Ninh Thuận gọi là “sâu kim“.

Khi sâu lớn (từ tuổi 3) phân tán cắn phá các phần non của cây như như đọt non và các chùm hoa lúc mới ra.

Nho tơ mới trồng thường bị cắn cụt ngọn, hạn chế sinh trưởng, nhìn giàn cây tiêu điều với những lá rách nát.

Nho đang mang nụ, hoa thì giảm lượng hoa với các chùm nhỏ và không cân đối nếu để sâu cắn phá.

Trên nho già, sâu làm tàn lụi còn trơ cuống dẫn tới suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới năng suất của vụ cắt tiếp sau.

Nhận biết sâu hại

Vòng đời gồm 4 giai đoạn: trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành.

Trứng có hình bầu dục dẹt (0.7mm). Ổ trứng thường được phủ bởi lớp vảy phấn màu hồng xám.

Sâu non có màu xanh lá cây hoặc nâu nhạt, đôi khi có nhiều sọc đen trên thân, kích thước tối đa dài trên 2cm.

Nhộng có màu nâu sáng dài khoảng 1,5cm, nằm trong các tổ dưới đất.

Ngài dài khoảng 1,2cm, sải cánh rộng 2,5cm. Cánh trước có màu xám nhạt, cánh sau màu vàng rơm, xen kẽ các đường mạch cánh màu nâu tối.

Sâu xanh da láng có vòng đời trung bình 24 ngày (25-29°C). Mỗi năm có khoảng 16 lứa, mỗi lứa kéo dài 16-44 ngày.