Bệnh Sâu xanh da láng trên cây Hành lá

Sâu thường gây hại mạnh vào các tháng ít mưa, thời tiết nóng hoặc ruộng khô hạn. Đây là loài sâu kháng thuốc nên phòng trị chúng rất khó.

Thường xuất hiện trên

Cải bắp, Đậu gà, Đậu tương, Hành tây, Tỏi tây, Hành củ ta, Hành lá, Tỏi ta, Nho, Cà chua, Ớt, Dưa chuột, Dưa lưới, Dưa hấu, Bí ngô, Măng tây, Đậu bắp, Lạc

Triệu chứng

Sâu non tuổi nhỏ gây hại bên trong cọng lá, gặm phần chất xanh của lá để lại lớp màng trắng bên ngoài.

Sâu non tuổi lớn có thể gặm thủng lá làm cọng hành bị khô héo, chết, gẫy gập, xơ xác, cả bụi hành trở nên vàng úa, còi cọc cả ruộng bị trắng xoá, tàn lụi.

Nhận biết sâu hại

Sâu trải qua 4 pha phát dục gồm: Trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành (ngài). Vòng đời trung bình 30 - 40 ngày.

Ngài: Có màu trắng xám, đầu màu xám. Cánh trước có màu xám, trên có nhiều vân, gần mép trước cánh có một đốm màu xám nhạt, ở giữa đốm có chấm màu đen, mép ngoài cánh có một hàng chấm đen. Cuối bụng có một túm lông.

Trứng: Đẻ thành ổ trên cọng lá hành. Trứng có hình cầu hoặc hình bầu dục, trên có cạnh khía, mới đẻ có màu xanh xám sau chuyển thành nâu đậm có một chấm đen trên mặt trứng. Trứng thường nở vào ban ngày.

Sâu non: Hình dạng giống sâu xanh nhưng không có u lông trên mình, sâu có 5, 6 tuổi, thời gian sống từ 10 - 19 ngày.

Nhộng: Sâu non hóa nhộng trong đất, nhộng có màu nâu hoặc đỏ sẫm, thời gian pha nhộng từ 10 - 15 ngày.

Ngài đẻ trứng thành từng ổ trên cọng lá, trứng được đẻ vào ban đêm.

Sâu non tuổi 1 sau khi nở từ trứng tập trung gây hại xung quanh ổ trứng, đến cuối tuổi 1 sâu mới phát tán sang các lá khác.

Chúng đục lỗ nhỏ chui vào bên trong cọng. Sâu non tuổi 2 có tập quán nhả tơ buông mình khi có động. Ở tuổi 3 sâu cắn phá mạnh nhất, có thể cắn thủng lá làm lá bị gục héo.