Bệnh Ruồi vàng trên cây Chôm chôm

Ruồi đục quả phá hại từ khi quả già gần chín đến chín. Quả để chín lâu trên cây càng bị hại nhiều hơn.

Ruồi phát sinh gây hại quanh năm khi có quả chín.

Thường xuất hiện trên

Dưa chuột, Chuối, Xoài, Đu đủ, Khổ qua (Mướp đắng), Cam, Thanh long, Chanh dây, Chôm chôm, Mít, Vú sữa, Bưởi, Cà chua, Ớt, Lan đai châu, Mận

Triệu chứng

Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả chôm chôm đẻ một chùm từ 5-10 trứng.

Vết chích rất nhỏ, nhưng có thể nhận ra nhờ những vết thâm trên vỏ quả, khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra (3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng).

Giòi nở ra ăn thịt quả, tuổi càng lớn giòi càng đục sâu vào phía trong làm quả bị thối và rụng. Bị hại nặng, quả rụng hàng loạt.

Trong một quả có thể có nhiều con giòi. Quả chôm chôm bị giòi gây hại thường bị bệnh thối quả tấn công mạnh do vết chích của ruồi tạo vết thương cho nấm, vi khuẩn xâm nhập.

Nhận biết sâu hại

Ruồi trưởng thành giống ruồi nhà nhưng nhỏ hơn, thân dài khoảng 6 - 7 mm, sải cánh rộng 8 - 9 mm. Ngực có ba vệt vàng xếp thành hình chữ U, bụng có hai vệt đen hình chữ T. Cánh trong suốt, mép cánh có sọc đen. Con cái cuối bụng có ống đẻ trứng dài và nhọn.

Trứng hình hạt gạo, dài khoảng 1 mm. Ấu trùng dạng giòi, không chân, đẩy sức dài khoảng 6 - 8 mm, màu vàng nhạt, miệng có móc cứng.

Nhộng dài 6 - 7 mm, hình trứng, màu đỏ nâu. Ấu trùng đẫy sức nhún mình xuống đất hóa nhộng.

Vòng đời trung bình 20 - 30 ngày, trong đó thời gian trứng 2 - 3 ngày, ấu trùng 10 - 15 ngày, ruồi trưởng thành đẻ trứng 1 - 2 ngày sau khi vũ hoá và có thể sống trên 30 ngày.

Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa.