Bệnh Rệp sáp trên cây Vú sữa

Rệp sáp sống tập trung thành từng cụm có nhiều giai đoạn phát triển cùng sinh sống, gây hại hầu như quanh năm, rệp phát triển mạnh nhất vào các tháng mùa khô và duy trì mật số ít hơn trong các tháng mùa mưa.

Rệp sáp hiện diện quanh năm trên vườn vú sữa nhưng gây hại nhiều nhất vào mùa nắng, từ tháng 1 - 5 dương lịch và tháng 10 - 12 dương lịch có tỷ lệ hại, chỉ số hại cao hơn các tháng còn lại.

Thường xuất hiện trên

Hồ tiêu, Vú sữa, Thanh long

Triệu chứng

Cả rệp non và con trưởng thành gây hại trên lá, cành non và quả.

Rệp sáp gây hại từ khi quả còn non đến quả thu hoạch, rệp sáp chích hút trên cuống quả và quả. Rệp thường tập trung với mật số cao trên các chùm quả dày chặt.

Trên quả non, nếu rệp sáp hiện diện với mật số cao, quả không phát triển và có thể bị rụng sớm. Rệp sáp tiết ra mật tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm quả bị đen, ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của quả.

Đối với rệp sáp giai đoạn tuổi 3 và thành trùng, khả năng di chuyển rất kém, chúng có thể di chuyển được là nhờ sự cộng sinh của kiến. Kiến giúp rệp sáp phát tán, ngược lại rệp sáp tiết chất mật ngọt cho kiến hấp thụ.

Nhận biết sâu hại

Trứng hình bầu dục, màu vàng, trứng được đẻ thành tổ nằm dưới bụng của rệp mẹ, được bao phủ bên ngoài một lớp sáp trắng giống như tơ sợi.

Ấu trùng có 3 tuổi. Ấu trùng tuổi 1 di chuyển rất nhanh, ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt, râu đầu 6 đốt, màu vàng nhạt. Ấu trùng tuổi 2 bắt đầu di chuyển chậm dần, càng về sau di chuyển càng chậm.

Rệp sáp gây hại từ ấu trùng tuổi 1 đến giai đoạn thành trùng, giai đoạn thành trùng sống tương đối dài.

Thành trùng cái có cơ thể màu vàng, hình oval hơi tròn, lưng hơi vòng lên, phía bụng phẳng, trên lưng phủ nhiều bột sáp trắng.

Vòng đời rệp sáp P. lilacinus kéo dài khoảng 30 ngày.